Khi tìm hiểu về cái ngon của rượu Bàu Ðá, tôi được người trong nghề “bật mí”: Rượu Bàu Ðá ngon là nhờ nguồn nước. Ðể thực chứng điều này, men theo những làng rượu ven sông, từ thượng nguồn sông Côn tôi xuôi dòng từ Vĩnh Thạnh, Tây Sơn xuống đến thị xã An Nhơn. Quả nhiên, rượu ngon nhờ nguồn nước.
Sông Côn - đoạn qua Vĩnh Thạnh. Ảnh: VĂN LƯU |
NHỮNG LÒ RƯỢU VEN SÔNG
Nằm ở vùng thượng nguồn sông Côn, làng rượu truyền thống Vĩnh Cửu (xã Vĩnh Hiệp, huyện Vĩnh Thạnh) đã tồn tại hàng trăm năm, được giới sành rượu đánh giá thơm ngon không thua kém gì rượu Bàu Đá. Được sự dẫn đường của một “thổ địa” ở thị trấn Vĩnh Thạnh, chúng tôi tìm đến nhà ông Đặng Công Trường (thường gọi là Hai Tây, 59 tuổi) ở thôn Vĩnh Cửu, một hộ gia đình đã có 3 đời nấu rượu. Ông Trường vào bếp bưng ra một can rượu gạo trong vắt, sang ra bình rồi rót từ trên cao những dòng rượu trắng tinh khiết chảy vào ly rượu nhỏ, vần tụ bọt trắng đầy miệng ly.
Ông Trường giảng giải, rượu gạo ngon nguyên chất thì khi rót từ trên cao xuống phải không có tia nào bắn ra ngoài, bọt trắng phải đọng lại trên ly chừng vài phút rồi mới tan. “Ông già tôi ở cùng thôn cả đời nấu rượu cũng gật gù thừa nhận rằng rượu con nấu ngon hơn rượu cha. Tôi cũng từng xách can 10 lít rượu xuống giao lưu, học hỏi kinh nghiệm ở làng rượu Bàu Đá, được người dân nơi đó khen ngợi. Điều này nhờ yếu tố quan trọng nhất là từ nguồn nước, bởi giếng nhà tôi khi đào sâu 12m đã may mắn trúng được mạch nước tốt từ dòng sông Côn chỉ cách nhà có vài bước chân…”, ông Trường đúc kết.
Ông Đặng Công Trường rót rượu Vĩnh Cửu. |
Làng rượu Phú Thọ (xã Tây Phú, huyện Tây Sơn) cũng đã hình thành nghề truyền thống nấu rượu hàng trăm năm. Rượu ở đây cũng vang danh không kém rượu Bàu Đá. Ông Đào Tăng, một người sành rượu Phú Thọ “bật mí”: “Rượu Phú Thọ ngon, theo lời các bậc trưởng lão trong thôn có truyền thống, từ cổ chí kim qua bao đời gia truyền. Muốn có được rượu đúng chất Tiên tửu phải lấy nước sông ở giữa dòng chảy vào giờ Tý đêm 30 âm lịch, tháng thiếu thì 29, nhưng rượu hơi kém chút ít… Lấy nước cũng phải có cách chứ không phải tùy tiện sao cũng được. Nghĩa là theo luật âm dương, phải có một nam một nữ đủ đôi. Nên ở quê ta có câu: “Tý thời âm dương tương giao. Chồng gánh vợ múc rượu nào không ngon”...”.
“LONG MẠCH” TRỜI CHO
Một lần đến thăm lão võ sư Trần Dần (77 tuổi, thôn An Vinh 1, xã Tây Vinh, huyện Tây Sơn), trong câu chuyện trà dư tửu hậu, ông kể: “Trước năm 1945, người Pháp khảo sát thấy làng An Vinh nằm ven sông Côn có nhiều mạch nước ngầm tốt, nên chọn làm nơi sản xuất rượu có quy mô lớn, thu hút nhiều người dân địa phương và các vùng lân cận làm công nhân. Rượu An Vinh có hương vị thơm ngon riêng được người Pháp thời ấy độc quyền phân phối khắp nơi”.
Khi An Vinh không sản xuất rượu nữa, một trong những người nấu rượu ngon nhất làng là ông Hương Lễ Nghè đến một địa phương lân cận làng Bàu Đá (thôn Cù Lâm Bắc, xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn) để tiếp tục nấu rượu. Theo lời kể của các cụ cao niên ở làng rượu Bàu Đá, khi ông Hương Lễ Nghè được một người bạn ở xóm Tân Long mời về dạy nấu rượu thì cụ đã dùng nguồn nước ở cái bàu rộng khoảng 3 sào ở xóm Tân Long để nấu rượu. Bàu này vốn có nhiều hòn đá tự nhiên, là nơi hội tụ những mạch nước ngầm xuất phát từ dòng chảy sông Côn đưa vào. Vẫn sử dụng công thức và men rượu truyền thống như ở An Vinh, nhưng ngay từ mẻ rượu đầu tiên cụ Nghè đã hết sức ngạc nhiên khi màu trong vắt, thơm nồng, uống vào dịu nhẹ nhưng uống nhiều thì từ “mặt đất lên mây” lúc nào không hay.
Tìm đến làng rượu Bàu Đá vào một ngày đầu năm 2015, ghé thăm cơ sở sản xuất rượu Ba Trương, ông đem ra hai chai rượu nếp Bàu Đá trong vắt, trên tờ nhãn hiệu dán bên ngoài chai có giới thiệu trang trọng thành phần làm rượu đặc sản Bình Định là “Nếp - men và mạch nước ngầm”. Rót ly rượu thơm mời khách, ông Ba Trương cho biết: “Bàu Đá nay đã cạn, nhưng mạch nước ngầm trời cho vẫn lan tỏa khắp làng để các hộ dân đào giếng lấy nước nấu rượu giữ được hương vị thơm ngon đặc trưng như cha ông ngày xưa…”.
Theo biến đổi môi trường khiến làn nước của dòng sông quê hương không còn đủ xanh trong, các hộ dân thôn Phú Thọ tự đào giếng lấy nước ngay tại vườn nhà, nhưng tùy “cơ duyên” mà hộ này có được nguồn nước tốt hơn hộ khác. Ông Nguyễn Xuân Đào (56 tuổi), một trong những hộ nấu rượu thâm niên nhất ở thôn Phú Thọ, cho biết: “Giếng nhà tôi có được mạch nước quanh năm trong vắt để nấu ra rượu hương thơm, uống vào dịu ngon. Mấy hộ gần đó cũng lấy nước giếng nấu rượu theo cách thức truyền thống, nhưng rượu uống vào hơi kém hơn một chút có lẽ vì không có mạch nước tốt bằng…”.
Tất nhiên là còn vô số lý do khác nữa để làm thành một dòng rượu ngon. Có thể kể đến loại gạo, cách nấu cơm rượu, loại men, thời tiết vào thời điểm nấu, chưng cất… Nhưng điều mà các chủ lò rượu cùng thống nhất là - đầu tiên phải kể đến là nguồn nước.
--------
Quý khách có nhu cầu mua Rượu Bàu Đá, vui lòng liên hệ theo thông tin bên dưới nhé (xem sản phẩm và giá rượu bàu đá tại website https://ruoubaudathanhtam.com):
CƠ SỞ RƯỢU BÀU ĐÁ THÀNH TÂM
ĐC : Thọ Lộc 1 – Nhơn Thọ – An Nhơn – Bình Định
ĐT: (0256) 383 7 384 – DĐ : 0914.140.178
Email: ruouthanhtam@gmail.com
Fanpage: https://www.facebook.com/ruoubaudachinhgoc
Websites: https://ruoubaudathanhtam.com – http://ruouthanhtam.mov.mn
No comments:
Post a Comment