Mỗi ngày, làng nghề nấu rượu Bàu Đá ở Bình Định chỉ sản xuất khoảng vài trăm lít, trong khi ước tính có hàng ngàn lít “rượu Bàu Đá” được tiêu thụ trên thị trường
Làng nghề truyền thống rượu Bàu Đá là một xóm nhỏ có tên Tân Long thuộc thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định - nằm kề Quốc lộ 19, cách trung tâm TP Quy Nhơn khoảng 20 km về hướng Tây Bắc. Làng nghề nằm lọt thỏm giữa cánh đồng, hiện có khoảng 40 hộ dân chủ yếu làm nông nhưng phần lớn đều có nghề nấu rượu gia truyền từ nhiều đời.
Rượu ngon nhờ nguồn nước
Chúng tôi được ông Lê Mạnh Hưng đưa về nhà ở xóm Tân Long giới thiệu lò sản xuất rượu gia truyền từ nhiều đời của gia đình. Hệ thống lò nấu rượu ở đây chẳng khác mấy so với cách sản xuất thủ công ở nhiều nơi. Tuy nhiên, sản phẩm rượu Bàu Đá của ông Hưng và xóm Tân Long nói chung thì thơm ngon đặc biệt, hiếm nơi nào có được.
Ông Hưng lấy bình sứ đựng rượu vừa được gia đình chưng cất ra rót mời chúng tôi. Ly vừa rót đầy, rượu sủi tăm vun lên rồi tan nhanh, trong vắt, tỏa hương thơm nồng nàn. Nâng chén rượu ngang mũi, chúng tôi nhắm mắt cố cảm nhận mùi thơm lan tỏa liu riu. Nhấp nhẹ một chút, cảm giác lâng lâng ngấm dần. Rượu chảy đến đâu thấy ấm đến đấy, thơm lừng hương lúa và đọng lại dư vị ngọt ngào thoảng men cay.
“Rượu Bàu Đá phải nặng trên 50 độ, khi rót ra phải sủi tăm. Do rượu “nặng đô” nên uống nhanh say nhưng không gây mệt mỏi hay nhức đầu. Tôi cũng đã thử nhiều loại nhưng chưa thấy rượu nào uống “đã” bằng rượu làng mình nấu cả. Tối uống say quắc cần câu nhưng sáng ra vẫn thấy khỏe khoắn, đi làm bình thường” - ông Hưng tự hào.
Như để chứng minh rằng rượu Bàu Đá “nặng đô”, ông Hưng đổ một ít ra đĩa sứ rồi châm lửa đốt, lập tức ngọn lửa xanh lét phựt lên. “Bấy nhiêu là đủ nướng chín con mực bằng bàn tay, dày cộp rồi đó” - ông khẳng định.
Không chỉ có “lửa”, rượu Bàu Đá còn được nhà văn Nguyễn Thanh Mừng, Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh Bình Định, cho rằng có cả “băng tuyết”. “Sờ vào chum, bình đựng rượu Bàu Đá thì sẽ thấy mát lạnh tay. Nếu nhỏ một giọt rượu lên da, cái mát lạnh sẽ truyền đến tận tim” - nhà văn dẫn chứng.
Hầu như nhà nào ở Tân Long cũng có bình rượu sủi tăm để sẵn sàng mời khách. Theo nhiều người lớn tuổi, cách nay khoảng 100 năm, xóm có một bàu nước rộng vài hecta, xung quanh có nhiều hòn đá rất kỳ thú. Do nguồn nước từ bàu mát sạch và trong nên người dân thường lấy về nấu ăn, sinh hoạt.
Thời điểm này, do lò rượu của thực dân Pháp ở gần đó đóng cửa nên dân làng thuê một người ở huyện Tây Sơn về nấu rượu phục vụ hội hè, cúng giỗ. Nguồn nước dùng để nấu rượu được người này lấy từ bàu đá kể trên. “Thấy rượu được chưng cất bằng nguồn nước lấy ở bàu đá ngon hơn vùng khác, nhiều người dân địa phương cũng bắt chước ông ấy nấu rượu. Khi rượu nấu từ vùng này được nhiều người biết đến bởi hương vị thơm ngon đặc biệt, họ đã gán tên bàu đá trong làng cho tên rượu” - cụ Nguyễn Ngọc Tân (84 tuổi) giải thích.
Ngày nay, bàu đá đã cạn nước. Nguồn nước dùng cất men, ủ rượu ở Tân Long là những mạch giếng khoan, giếng đào. Tuy nhiên, chất lượng rượu được sản xuất tại đây vẫn thơm ngon như ngày nào.
Theo nhiều người trong làng, để có được rượu Bàu Đá ngon, mỗi mẻ họ sử dụng khoảng 7 kg gạo hoặc đậu xanh. Cơm đã nấu được trộn men ủ vào xô nhựa, sau 3 ngày sẽ dậy mùi thơm của men rượu. Tiếp đó, họ cho vào 16 lít nước giếng trong, ủ tiếp 2 ngày. Cuối cùng, cơm rượu được cho vào nồi đun trong 5 giờ, rượu được chưng cất qua ống tre nối từ nồi nấu sang nồi ngưng tụ. Một mẻ như vậy cho ra khoảng 4 lít rượu nguyên chất.
“Yếu tố quan trọng làm nên rượu Bàu Đá chính là mạch nước trong làng. Tôi đã thử mang men, gạo cùng với kinh nghiệm làm rượu từ Tân Long đi đến làng khác để chưng cất nhưng không thể có được loại rượu chất lượng như Bàu Đá” - bà Lê Thị Cần (61 tuổi), cháu nội của cụ Lê Khánh, một trong những người đầu tiên truyền nghề nấu rượu cho làng, khẳng định.
Hơn 40 năm trước, bà Cần rời quê đến làm dâu trong một gia đình ở huyện Tây Sơn, cách Tân Long chỉ vài cây số. Khi sang nhà chồng, bà định mang nghề nấu rượu truyền thống của gia đình mình đến đó lập nghiệp. Tuy nhiên, cũng với dụng cụ, nguyên liệu và công thức mà hằng ngày bà vẫn thường áp dụng nhưng kết quả cho ra loại rượu không thể nào ngon bằng rượu Bàu Đá.
--------
Quý khách có nhu cầu mua Rượu Bàu Đá, vui lòng liên hệ theo thông tin bên dưới nhé (xem sản phẩm và giá rượu bàu đá tại website https://ruoubaudathanhtam.com):
CƠ SỞ RƯỢU BÀU ĐÁ THÀNH TÂM
ĐC : Thọ Lộc 1 – Nhơn Thọ – An Nhơn – Bình Định
ĐT: (0256) 383 7 384 – DĐ : 0914.140.178
Email: ruouthanhtam@gmail.com
Fanpage: https://www.facebook.com/ruoubaudachinhgoc
Websites: https://ruoubaudathanhtam.com – http://ruouthanhtam.mov.mn
No comments:
Post a Comment